Báo cáo tham luận xã Hoài Thượng
TỔ CHỨC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ
UBND Xã Hoài Thượng
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Hoài Thượng là một xã nằm ven sông Đuống với tổng diện tích 552,12 ha trong đó đất nông nghiệp là 315 ha chiếm tỷ lệ 57,05%, xã có 9.310 nhân khẩu, số nhân khẩu trong độ tuổi lao động là 4.611 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 49,5%. Người dân trong xã chủ yếu là làm nông nghiệp và phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ.
Trên địa bàn của xã hiện có 8 công ty TNHH đang hoạt động, trong đó có 04 công ty chuyên may gia công màn tuyn xuất khẩu, 02 công ty chuyên sản xuất đồ gỗ dân dụng, 01 công ty chuyên may quần áo xuất khẩu, 01 công ty đá sẻ và 01 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp, ngoài ra còn có 934 hộ gia đình chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 339 hộ gia đình kinh doanh thương mại dịch vụ, từ đó đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển ngành nghề, làng nghề của xã trong những năm qua.
Quá trình phát triển ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn xã dẫn đến diện tích và qui mô sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như may mặc, làm mộc, xây dựng,….và một số nghề nhỏ lẻ khác, số lượng người dân trong độ tuổi lao động ngày càng tăng, quy mô sản xuất các ngành nghề còn nhỏ bé, manh mún, nhất là các làng có nghề truyền thống như điêu khắc gỗ, sơn mài, đội sứ các bậc thợ lành nghề dần bị mai một, hành nghề theo lối cũ, kinh nghiệm là chính áp dụng khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, lượng nguồn lao động chưa thực sự được quan tâm đúng mức và phù hợp với các ngành nghề sẵn có. Đặc biệt qui hoạch và định hướng sự phát triển bền vững cho làng nghề, các cơ sở sản xuất còn nhiều hạn chế.
Từ thực trạng trên, ý thức được tầm quan trọng về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, UBND xã phối hợp với cơ sở dạy nghề tìm kiếm ngành nghề phù hợp với đặc thù địa phương, đã từng bước đưa công tác nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các làng nghề nghề truyền thống hiện tại, đào tạo nghề tới từng người lao động ở thôn xóm nơi có nghề truyền thống. Đồng thời cấp Ủy từ xã đến thôn ra Nghị quyết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015 làm cơ sở cho cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Từ đó hàng năm, UBND xã đã xây dựng điều chỉnh qui hoạch vùng sản xuất, qui hoạch làng nghề nơi có nghề truyền thống với việc xây dựng chương trình đào tạo nghề, kiện toàn Ban chỉ đạo dạy nghề, việc làm từ xã đến thôn, thường xuyên đánh giá mức độ hoạt động của Ban chỉ đạo, trung tâm học tập cộng đồng xã, các ngành đoàn thể, …… Từ đó kiện toàn bổ sung các thành phần, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực thuộc nhằm củng cố sức mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, giao cho Ban chỉ đạo nghề của xã chủ động chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, cùng phối hợp với trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn toàn xã, xây dựng kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì vậy, đã từng bước củng cố được chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO NGHỀ - GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM: 2010-2012
Hàng năm Ban chỉ đạo xã đã chủ động chỉ đạo các đoàn thể tiến hành rà soát đối tượng, tham mưu các nghề, xây dựng kế hoạch đăng ký các lớp học nghề. Xác định đúng nhu cầu nguyện vọng và đúng đối tượng tham gia học nghề, từ đó định hướng theo nhóm độ tuổi, ngành nghề đào tạo giúp cho lực lượng lao động học đúng nghề mình cần, đúng với khả năng năng lực tham gia hành nghề (làm việc tại các doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất tại gia đình và địa phương). UBND xã xây dựng lập kế hoạch phối hợp với Ban chỉ đạo đào tạo nghề Huyện và trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành về kế hoạch các lớp và xác định đây cũng là mục tiêu mũi nhọn cho công tác đào tạo nghề hàng năm.
Năm 2010-2012, UBND xã phối hợp cùng nhà trường đào tạo được 10 lớp với 360 lao động trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 22,3%; lĩnh vực công nghiệp chiếm 46,6%; lĩnh vực nghề truyền thống chiếm 31,1%. Quá trình đào tạo ban chỉ đạo xã đã phối hợp các thợ giỏi tại cơ sở làng có nghề truyền thống, đề xuất cơ sở đào tạo xây dựng nội dung chương trình đào tạo, áp dụng kiến thức và công nghệ trong quá trình học và thực hành tại các xưởng sản xuất, tại lớp học, giúp cho lao động sau khóa đào tạo ngoài tiếp thu kiến thức bảo đảm có kỹ năng nghề được thành thạo và hành nghề tốt hơn. Đặc biệt sau mỗi khóa học nghề Ban chỉ đạo xã đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành tổ chức tập huấn nâng cao cho học viên về kiến thức tổ chức sản xuất, kỹ năng bán hàng, quản trị doanh nghiệp…Đồng thời tổ chức hội nghị cam kết giữa làng nghề với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cùng các tổ chức tín dụng hỗ trợ vay vốn sản xuất như Ngân hàng Chính sách, Vietcombank….
Từ những việc làm nêu trên sau mỗi khóa học đào tạo số lao động có việc làm đạt 80-85%. Trong đó số lao động tự đầu tư mở rộng qui mô sản xuất tại các làng nghề với 28 tổ hợp tác mộc mỹ nghệ (thôn Bình Cầu trạm điêu khắc gỗ), Các nghề kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi thú y, nghề may mặc có việc làm 100% đáp ứng kịp thời các doanh nghiệp may mặc tại địa phương. Qua khảo sát kết quả sau đào tạo nghề đối với các loại hình kỹ thuật nông nghiệp thu nhập bình quân: 3 - 4 triệu/tháng/lao động, chăn nuôi thú y thu nhập 4 - 4,5 triệu/tháng/lao động. Đặc biệt nghề mộc mỹ nghệ 7-8 triệu/tháng/lao động.
III. TỒN TẠI VÀ KIẾN NGHỊ VỚI CÁC CẤP:
1. Tồn tại
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ, UBND xã Hoài Thượng thấy một số thiếu sót bất cập sau:
- Công tác chỉ đạo và tuyên truyền hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng về dạy nghề cho lao động nông thôn (1956) chưa đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó còn có một số hạn chế như: xây dựng kế hoạch với tổ chức thực hiện từ huyện đến xã và thôn về học nghề thường ỷ lại cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề thực hiện, nhất là việc giải quyết đầu ra cho mỗi khóa học nghề vì đây là việc làm khó nên cần phải có sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
- Đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các trường thủ công mỹ nghệ truyền thống đã đưa vào quy hoạch đóng vai trò làm đầu mối đào tạo nhân lực cho huyện và trong vùng chưa tập trung, còn dàn trải.
- Việc gắn đào tạo nghề với quy hoạch vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương là yêu cầu bắt buộc trong dạy nghề, nhưng chất lượng quy hoạch và việc tổ chức triển khai chưa đồng bộ và toàn diện, dẫn đến sự lãng phí về thời gian, tiền của Nhà nước và người dân.
2. Kiến nghị
- Ban chỉ đạo cấp huyện cần kiện toàn thường xuyên và có chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết theo từng tháng, quí, năm để chỉ đạo, hướng dẫn giúp công tác thực hiện của xã được đi vào nề nếp.
- Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo việc phân luồng học sinh vào học nghề, tránh lãng phí vật chất và thời gian cho nhân dân.
- Thường xuyên tăng cường đầu tư có trọng điểm cho mô hình trường nghề cấp huyện trên cả 3 lĩnh vực cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phát triển chương trình đào tạo.
- Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ về cơ chế, chuyên môn nghiệp vụ giúp UBND xã lập qui hoạch vùng sản xuất hàng hóa, thăm quan các mô hình có hiệu quả về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới để học tập.